Tập nói cho bé – Cha mẹ cần làm gì

Trẻ bắt đầu bi bô và bạn đang tìm cách tập nói cho bé. Vậy làm sao để khuyến khích trẻ giao tiếp? Làm thế nào để dạy cho con thêm nhiều từ mới? Bài viết sau sẽ mách cho bạn một số mẹo để khuyến khích phát triển ngôn ngữ ở trẻ em.

Từ lúc sinh đến 2 tuổi

Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu nói những từ đầu tiên. Ban đầu là những từ đơn, sau đó là các cụm hai từ. Điều quan trọng bạn cần làm là phản ứng lại khi trẻ giao tiếp, dù bằng lời nói hay cử chỉ. Sau đây là một số việc bạn có thể làm để khuyến khích con phát triển ngôn ngữ:

  • Nói một số từ đơn giản như “ma”, “da” hoặc “ba” và khuyến khích trẻ nhắc lại những từ này.
  • Bạn nên nói chuyện với con khi trẻ bập bẹ. Hoặc đơn giản là lặp lại những gì trẻ nói.
  • Đáp ứng lại khi con cười hoặc có các biểu cảm khuôn mặt. Bạn có thể bắt chước lại biểu cảm của con.
  • Dạy trẻ một số trò chơi nhỏ như vỗ hai tay vào nhau hoặc chơi cút bắt.
  • Nói chuyện với trẻ khi bạn tắm, mặc quần áo hoặc cho con ăn. Nói về những gì bạn đang làm, sẽ làm, chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo.
  • Đọc tên các hình dạng, màu sắc hoặc số lượng của đồ vật cho trẻ nghe.
  • Tích cực sử dụng các cử chỉ với con như chỉ tay, chào tạm biệt,..
  • Bày cho con cách các con vật kêu, ví dụ chuột kêu chít chít, chó sủa gâu gâu.
  • Đọc sách cho con nghe. Bạn không cần phải đọc từng từ, thay vào đó hãy chỉ tay và nói về các hình ảnh có trong sách. Trong lúc đọc hãy hỏi trẻ “đây là gì?” và động viên con nêu tên hình ảnh.

Chính những phản hồi, động viên của cha mẹ khi trẻ bập bẹ sẽ khuyến khích con giao tiếp nhiều hơn trong tương lai.

Tập nói cho bé từ 2 đến 4 tuổi

Trẻ bắt đầu biết cách kết nối các từ thành câu, biết hội thoại một đoạn ngắn. Cha mẹ sẽ đóng vai trò khuyến khích con nói và học thêm nhiều từ mới. Một số hoạt động để hỗ trợ cho con là:

  • Nói to, rõ ràng, dễ hiểu khi giao tiếp với con.
  • Lặp lại những gì con nói và thể hiện rằng bạn đã hiểu. Ví dụ khi con nói “ba ba ”, bạn hãy nói lặp lại và nói thêm “con gọi ba à, ba ở ngay đây này”.
  • Bạn có thể dùng ngôn ngữ của trẻ nhưng cũng cần dùng một số từ ngữ của người lớn.
  • Tập cho trẻ trả lời các câu hỏi có – không. Hỏi các câu như “con mèo có ăn cá không” hoặc “bóng đèn có sáng không” và khuyến khích con trả lời.
  • Hãy chú ý đến ý kiến của con và hỏi các câu có tính chất chọn lựa, ví dụ “con muốn mặc áo màu xanh hay đỏ”, “tối nay con muốn ăn rau hay cá” và để trẻ tự ra quyết định.
  • Dạy cho trẻ những từ mới. Chỉ cho trẻ tên các bộ phận cơ thể và chức năng của chúng, ví dụ “đây là mũi, mũi dùng để ngửi mùi thức ăn”.
  • Hát những bài đơn giản hoặc nói một cách có sắc thái. Điều này giúp con học về nhịp điệu và ngữ điệu của lời nói.
  • Đọc thêm: Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi
tập nói cho bé

Tận dụng các cơ hội trong sinh hoạt hàng ngày để dạy cho con thêm từ mới.

Tập nói cho bé từ 4 đến 6 tuổi

Ở lứa tuổi này hầu hết trẻ đã nói giỏi. Những gì trẻ cần học thêm là các cấu trúc ngữ pháp và vận dụng ngôn ngữ vào đời sống hàng ngày. Một số việc bạn có thể làm là:

  • Hãy tỏ ra chú ý, lắng nghe khi trẻ nói.
  • Đồng thời cũng yêu cầu con chú ý khi bạn nói. Ở độ tuổi này, trẻ cần học cách giao tiếp theo lượt với người đối diện.
  • Động viên khi trẻ nói về một vấn đề nào đó và thể hiện cho trẻ biết bạn đang rất lắng nghe.
  • Tạo các khoảng nghỉ ngắn sau mỗi câu nói, làm vậy sẽ giúp trẻ có thời gian để hiểu và phản hồi.
  • Giúp con học thêm nhiều từ mới. Bạn không chỉ dạy con từ mới mà còn cần hướng dẫn trẻ cách dùng từ.
  • Khi nói về các đồ vật, hãy dùng thêm các giới từ, tính từ để mô tả như “đầu tiên”, “bên cạnh”, “phía dưới”,…Hoặc nói các cặp từ trái nghĩa như “trên – dưới”, “bật – tắt”.
  • Chơi trò đoán từ với con, bạn có thể mô tả một đồ vật và để trẻ đoán đó là gì. Ví dụ “mẹ đang cần một đồ vật để quét nhà” và yêu cầu con đoán xem đó là gì. Nếu trẻ đoán đúng đó là cái chổi, hãy hỏi xem trẻ có biết nơi để chổi ở đâu không.
  • Yêu cầu trẻ thực hiện một số mệnh lệnh đơn giản, có 1 đến 2 bước như “vào phòng và lấy giúp mẹ chiếc áo”, “nhặt chiếc xe lên và cho vào giỏ”.
  • Khi xem chương trình ti vi cùng con, hãy hỏi một số câu liên quan để trẻ suy nghĩ và trả lời. Ví dụ “chú chó đang làm gì”, “tại sao bạn poli khóc vậy con”.
  • Hãy tận dụng các việc làm hàng ngày để dạy cho trẻ từ mới. Ví dụ khi bạn đưa con đi mua sắm, hãy nói cho trẻ biết những gì cần mua, bao nhiêu, kích cỡ, hình dạng hoặc mùi vị của sản phẩm.
  • Đọc thêm: Trẻ chậm nói bao giờ cần can thiệp.