• Omega-3 có 3 loại: ALA, EPA, DHA. Chất này cần thiết cho sự phát triển trí não và mắt.
  • Hiện nay, chưa có khuyến báo hoặc bằng chứng ủng hộ việc dùng thực phẩm bổ sung dầu cá cho trẻ em.
  • Người lớn và trẻ em nên ăn 2 khẩu phần cá béo 1 tuần. Các loại cá có nồng độ thủy ngân thấp là cá hồi, cá minh thái, cá mòi, cá da trơn.

Tổng quan về dầu cá

Axit béo thiết yếu là gì

Bạn cần lưu ý dầu cá và omega-3 không đồng nghĩa với nhau. Dầu cá chứa nhiều omega-3 (nên hai tên gọi thường được dùng lẫn lộn). Tuy nhiên, chất này còn có trong nhiều loại thực phẩm khác. Axit béo omega-3 có ba dạng: ALA (axit alpha-linolenic), EPA (axit eicosapentaenoic), DHA (axit docosahexaenoic).

ALA có trong dầu thực vật và nhiều loại thực phẩm như quả óc chó, đậu nành, hạt chia. EPA và DHA có nhiều trong cá béo, các loại hải sản khác và một số loại tảo.

ALA được gọi là “axit béo thiết yếu.” Cơ thể chúng ta không thể tự tạo ra ALA mà phải lấy nó từ các nguồn thực phẩm. EPA và DHA có thể được tạo ra trong cơ thể từ ALA nhưng số lượng này rất ít.

Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo trẻ em nên ăn cá giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi và cá trích. Nếu trẻ không thường xuyên ăn những loại cá này, bạn có thể bổ sung axit béo omega-3 cho con từ những nguồn khác như:

  • Bổ sung DHA tảo.
  • Bổ sung dầu cá.
  • Thực phẩm và đồ uống được bổ sung DHA hoặc EPA.
  • Vitamin tổng hợp có chứa DHA, EPA.

Lợi ích của omega-3

Omega-3 rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Ví dụ, omega-3 tạo nên các màng bao quanh tế bào thần kinh, hàm lượng DHA đặc biệt cao trong võng mạc và não.

Vai trò quan trọng của omega-3 trong cá đối với sức khỏe của con người là điều rõ ràng. Điều chưa được biết là liệu dùng thực phẩm bổ sung dầu cá có thật sự mang lại lợi ích sức khỏe hay không.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra những người ăn cá béo có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính thấp hơn so với người không ăn.

Về phương diện trẻ trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy nếu mẹ ăn cá béo trong khi mang thai và cho con bú có thể có lợi cho sức khỏe của em bé. Tuy nhiên, không thể chỉ vì vậy mà kết luận chúng ta nên bổ sung dầu cá cho trẻ em. Hiện nay, không có bằng chứng thuyết phục về lợi ích của việc bổ sung dầu cá đối ở trẻ em.

Nguồn dầu cá

DHA và EPA có trong một số nguồn thực phẩm như:

  • Dầu từ gan cá tuyết.
  • Cá béo như cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi có hàm lượng DHA và EPA cao nhất.
  • Các loại cá khác như cá minh thái, cá bơn, sò điệp, nghêu, tôm, cá da trơn có ít DHA và EPA hơn cá béo.
  • Thực phẩm và đồ uống bổ sung DHA. Các sản phẩm này sử dụng DHA có nguồn gốc từ cá hoặc DHA có nguồn gốc từ tảo.

Nếu bạn muốn dùng thực phẩm bổ sung, hãy nhớ rằng lượng omega-3 có trong thực phẩm bổ sung có thể ít hơn so với một khẩu phần cá béo.

Liều lượng dầu cá

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo người lớn nên ăn các loại cá (tốt nhất là những loại có nhiều axit béo omega-3) ít nhất hai lần một tuần. Bên cạnh đó, AHA cũng cho biết EPA và DHA có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

AHA không đưa ra khuyến nghị cho trẻ em. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyên cha mẹ nên bổ sung cá và các loại hạt trong chế độ ăn của trẻ.

Chưa có một khuyến nghị cụ thể về lượng DHA mỗi ngày cho trẻ em. Nếu trẻ có cơ hội được ăn cá béo, thì Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và WHO khuyến cáo trẻ em nên ăn hai khẩu phần cá béo trong một tuần. Tuy nhiên bạn cần chú ý đến hàm lượng thuỷ ngân trong cá.

Trẻ em có thể ăn hai khẩu phần một tuần các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp hạn như cá hồi, cá mòi, cá minh thái và cá da trơn.

Phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ nhỏ không nên ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá ngừ mắt to, cá thu vua.

Thực phẩm bổ sung dầu cá

(Bao gồm thực phẩm chức năng, vitamin bổ sung dầu cá)

Có nhiều cách để cho con ăn cá béo ngay từ khi còn nhỏ. Bạn bắt đầu đưa cá vào thực đơn của trẻ càng sớm, thì trẻ càng có dễ chấp nhận món ăn này. Nếu trẻ không ăn cá thường xuyên, các bác sĩ khuyên bạn nên cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung.

Theo phương diện khoa học, hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng hoặc khuyến cáo chắc chắn từ các tổ chức y tế về việc dùng thực phẩm bổ sung dầu cá thực sự có lợi cho trẻ em.

Bạn cũng cần biết lượng axit béo omega-3 khác nhau rất nhiều giữa các nhãn hiệu. Ngoài ra, vitamin tổng hợp được quảng cáo bao gồm DHA thực sự có thể chứa rất ít DHA.

Một số lưu ý

Dưới đây là một số lưu ý về dầu cá (cả nguồn dầu cá từ cá béo, rong biển, thực phẩm chức năng hoặc vitamin tổng hợp)

  • Hãy dùng các sản phẩm chứa cả DHA và EPA.
  • Không cho trẻ bổ sung dầu cá nếu chúng bị dị ứng với cá hoặc động vật có vỏ.
  • Có những lo ngại rằng một số thực phẩm bổ sung dầu cá có thể bị nhiễm polychlorinated biphenyls (PCB) hoặc thủy ngân.

Một số cách mua sản phẩm an toàn:

  • Mua các thực phẩm bổ sung nêu rõ chúng được USP (Dược điển Hoa Kỳ) chứng nhận, điều này giúp đảm bảo chất lượng, độ tinh khiết và hiệu quả.
  • Chọn các thương hiệu được chứng nhận bởi bên thứ ba.
  • Sản phẩm được chưng cất phân tử sẽ loại bỏ thủy ngân và PCB.