Ăn dặm BLW – Một cái nhìn tổng quan

Hiện nay, khái niệm ăn dặm BLW đang trở nên phổ biến và được nhiều cha mẹ quan tâm. Vậy ăn dặm BLW là gì, có những ưu điểm nào và thực hiện ra sao. Bài viết sẽ giúp bạn có câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Ăn dặm BLW là gì

Ăn dặm truyền thống và BLW

BLW (baby-led weaning) hay còn gọi là ăn dặm bé tự chỉ huy là một cách cho ăn nhấn mạnh vai trò của trẻ.

Khi nói về ăn dặm, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh các bậc cha mẹ cố gắng cho trẻ ăn từng muỗng bột nhỏ. Đôi khi trẻ hợp tác, nhưng phần lớn trường hợp sẽ “phì” thức ăn ra ngoài hoặc kêu khóc không chịu ăn.

Đặc điểm của cách ăn dặm truyền thống là cha mẹ là người quyết định quá trình ăn uống, trẻ không được quyết định và là đối tượng thụ động. Với BLW, mọi chuyện xảy ra ngược lại. Cha mẹ cho phép trẻ tự ăn theo ý muốn, khuyến khích con khám phá, bắt chước cách ăn của các thành viên trong gia đình.

Những gì xảy ra trong BLW

  • Trẻ cùng ngồi với gia đình trong giờ ăn và tham gia ăn khi trẻ đã sẵn sàng.
  • Cha mẹ khuyến khích trẻ khám phá thức ăn bằng cách tự cầm muỗng hoặc trực tiếp cầm vào thức ăn.
  • Thức ăn được chế biến với kích thước và hình dạng sao cho trẻ có thể cầm nắm dễ dàng (hơn là thức ăn xay nhuyễn, bột ăn dặm).
  • Trẻ tự ăn ngay từ đầu hơn là được cha mẹ đút.
  • Việc ăn bao nhiêu, nhanh hay chậm là phụ thuộc vào trẻ.
  • Trẻ tiếp tục bú mẹ khi muốn và tự quyết định bao giờ thì giảm.

Ưu điểm của ăn dặm BLW

Trải nghiệm lần đầu với thức ăn

Những trải nghiệm đầu tiên khi ăn dặm có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của trẻ về giờ ăn trong nhiều năm. Do đó, bạn cần khiến giờ ăn dặm trở nên thú vị hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ nhỏ đều thích được đút bằng muỗng theo cách thông thường. Nhiều trẻ tỏ ra cam chịu hơn là thực sự tận hưởng giờ ăn.

Lợi ích của ăn dặm BLW

Những trải nghiệm tích cực

  • Cho phép trẻ làm quen dần với thức ăn bằng cách nhìn, chạm, ngửi, nếm trực tiếp và chủ động.
  • Tạo cơ hội để trẻ phát triển vận động tinh, phối hợp tay – mắt – miệng.
  • Giúp trẻ tìm hiểu thức ăn, đây thật sự là một “đồ chơi” lý tưởng để trẻ khám phá thế giới xung quanh.
  • Cảm giác tự quyết định và được tin tưởng bởi cha mẹ sẽ khuyến khích trẻ khám phá và tự tin hơn.

Lợi ích về sức khoẻ

  • Trẻ thường chịu ăn những gì chúng tự cho vào miệng.
  • Trẻ không chịu áp lực từ cha mẹ, do đó học cách tự điều chỉnh ăn uống theo nhu cầu của bản thân.
  • Tạo thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ.
  • Nghiên cứu chỉ ra trẻ ăn BLW ít có nguy cơ ăn quá nhiều khi lớn và ít bị thừa cân hơn.

Lợi ích cho cha mẹ

  • Giảm áp lực và căng thẳng khi cho con ăn, do đó khiến buổi ăn vui vẻ và tình cảm hơn.
  • Cha mẹ có thể cho con dùng cùng loại thức ăn với mình, do đó đỡ vất vả để chuẩn bị một phần ăn riêng cho trẻ.
  • Trẻ ăn cùng lúc với cả gia đình, do đó không ai phải dùng các món đã nguội vì cần cho trẻ ăn.
Ăn dặm BLW

BLW khuyến khích trẻ khám phá thức ăn, do đó khá bừa bộn

BLW có những bất lợi gì

Rất bừa bộn

Ban đầu, trẻ sẽ không cầm muỗng và xúc thức ăn cho vào miệng, thay vào đó trẻ cầm đĩa thức ăn và đổ ra ngoài. Vậy là uổng công bạn chuẩn bị thức ăn, nhưng mặt tích cực là trẻ đã học được điều gì đó. Ví dụ, nếu cầm đĩa theo cách đó thì sẽ không còn đồ ăn trong đĩa nữa.

Tin tốt là, giai đoạn bừa bộn này sẽ mau qua đi. Trẻ sẽ mau chóng học hỏi được nhiều điều và tự ăn trong thời gian sớm.

Sự lo lắng từ người khác

Một số người xung quanh không hiểu về phương pháp này và cảm thấy kì lạ. Họ có thể lo lắng về vấn đề vệ sinh hoặc trẻ có ăn đủ chất dinh dưỡng hay không. Bạn có thể giải thích sơ lược về cách mà bạn đang thực hiện và để thời gian chứng minh sự hiệu quả của BLW.

Đọc thêm: Nên chọn ăn dặm truyền thống hay ăn dặm BLW cho con.

Ăn dặm BLW và sự phát triển của trẻ

Trẻ cần phải ngồi thẳng và giữ đầu ổn định để bắt đầu ăn dặm, sau đó học cách cầm nắm thức ăn. Hoạt động nhai và cắn cũng cần một sự phát triển nhất định của hệ thần kinh – cơ ở hàm. Cuối cùng, trẻ cần mọc đủ răng để có thể nhai thức ăn cứng.

6 đến 8 tháng tuổi

Lúc đầu, trẻ sẽ sử dụng cả bàn tay nắm lấy thức ăn, nhưng không thể mở nắm tay để xem gì bên trong. Do đó, bạn nên chế biến thực phẩm thành các sợi dài để trẻ cầm một đầu và chơi với đầu còn lại.

Nên chế biến thực phẩm như thế nào:

  • Chế biến thành các sợi dài khoảng 5cm và rộng khoảng 1 – 2 cm.
  • Thức ăn có thể là trái cây, thịt hoặc rau quả đã nấu mềm.

7 đến 9 tháng tuổi

Trẻ đã có thể cầm và mở nắm tay như ý muốn. Trẻ bắt đầu cầm một nắm thức ăn mềm và đẩy hoặc ép nó vào miệng. Đây là cơ hội để trẻ học cách giữ chặt những thứ trơn trượt.

Nên chế biến thực phẩm như thế nào:

  • Tiếp tục với các thức ăn dạng sợi như trên.
  • Thêm các thức ăn mềm dạng cục như thịt băm, gạo nếp, bột yến mạch.
  • Bổ sung một ít thực phẩm trơn trượt như nuôi, mì ống, bún.

8 đến 10 tháng tuổi

Trẻ học được cách dùng các ngón tay để nhặt các vật (hơn là dùng cả bàn tay để nắm như ở trên) và sử dụng phối hợp cả hai tay.

Nên chế biến thực phẩm như thế nào:

  • Bây giờ trẻ đã có thể sử dụng hầu hết các loại thức ăn.
  • Nên bổ sung thêm các loại thực phẩm có kích thước nhỏ như đậu, gạo, nho khô (hãy chú ý nguy cơ mắc nghẹn).

9 đến 12 tháng tuổi

Trẻ phát triển mạnh hơn về vận động tinh, có thể nhặt được những mẩu thức ăn rất nhỏ (như hạt gạo và mảnh vụn) bằng ngón cái và ngón trỏ. Cha mẹ sẽ nhận thấy trẻ thử và ăn một cách có chủ đích hơn.

Nên chế biến thực phẩm như thế nào:

  • Khả năng vận động tinh phát triển tạo cơ hội để bạn giới thiệu cho trẻ nhiều loại thức ăn khác nhau.
  • Cố gắng giới thiệu đa dạng thực phẩm về màu sắc, mùi vị, hình dạng và kết cấu.
  1. The Baby-Led Weaning Family Cookbook – Gill Rapley, PhD, and Tracey Murkett.
  2. Baby-led weaning – Gill Rapley, PhD, and Tracey Murkett.
  3. https://www.parents.com/baby/feeding/solid-foods/dos-and-donts-of-baby-led-weaning/