Sơ cứu chấn thương ở trẻ em

Trẻ em năng động khám phá thế giới nên có thể gặp các chấn thương về cơ xương khớp. Những chấn thương này có thể nhẹ như bong gân hoặc rất nặng như gãy xương. Bài viết mang đến những kiến thức cơ bản để sơ cứu chấn thương cho trẻ đúng cách.

Các loại chấn thương

Chấn thương cơ xương khớp gồm nhiều loại như:

  • Gãy xương.
  • Trật khớp – Các xương di lệch khỏi ổ khớp.
  • Bong gân – Dây chằng bị căng và đứt.
  • Căng cơ – Cơ hoạt động nhiều bị căng cứng.
  • Bầm dập cơ do va đập trực tiếp vào cơ.

Dấu hiệu

Dấu hiệu của gãy xương

Bên cạnh xây xát và chảy máu, các dấu hiệu sau giúp xác định trẻ bị gãy xương:

  • Biến dạng chi (ví dụ cánh tay trông ngắn lại, xoắn và bẻ cong).
  • Khi di chuyển hoặc ấn vào vùng chấn thương nghe lạo xạo (tiếng lạo xạo xương).
  • Không thể hoặc khó di chuyển chi.
  • Thấy đầu xương lòi ra ngoài (gãy xương hở).

Dấu hiệu trật khớp

  • Biến dạng tại vị trí khớp.
  • Khớp sưng to.
  • Rất đau nếu chạm vào.
  • Không thể di chuyển khớp.

Chấn thương gây nguy hiểm gì

Biến chứng

Gãy xương thường không đe doạ đến tính mạng ngay lập tức nhưng chắc chắn cần chăm sóc y tế. Các biến chứng nguy hiểm của gãy xương là:

  • Chảy máu: mảnh xương cắt đứt mạch máu khiến máu chảy ồ ạt khó kiểm soát, mất máu nhiều có thể gây sốc tuần hoàn.
  • Thiếu máu nuôi chi: mảnh xương gây đứt hoặc cơ sưng to gây chèn ép mạch máu khiến phần xa của chi bị thiếu máu nuôi.
  • Tổn thương khớp: Khớp không hoạt động trơn tru.
  • Nhiễm trùng vết thương, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng huyết.
  • Về lâu dài khiến xương biến dạng, mất vững chắc, gây khó khăn trong vận động.

Chấn thương cần điều trị chuyên khoa

Trẻ sẽ cần điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trong các trường hợp sau:

  • Gãy xương đơn thuần.
  • Trật khớp.
  • Gãy cành tươi: xương bị gãy ở một bên, phía còn lại vẫn bình thường (giống như khi bẻ gãy không hoàn toàn cành cây tươi). Kiểu gãy này thường ít triệu chứng vào lúc đầu, do đó nếu nghi ngờ trẻ gãy xương bạn cần đưa bé đi khám chuyên khoa ngay.
  • Gãy xương ảnh hưởng đến đĩa sụn tăng trưởng: trẻ dưới 10 tuổi vẫn còn các đĩa tăng trưởng. Về lâu dài, gãy xương ảnh hưởng đến vùng này khiến cho chi bị ngắn hoặc biến dạng.

Sơ cứu chấn thương

Sơ cứu gãy xương, trật khớp

  1. Cầm máu: Nếu trẻ bị chảy máu hãy nâng chi lên cao và ép chặt vào vết thương bằng gạc vô trùng hoặc quần áo sạch.
  2. Bất động chi gãy: Hạn chế tối đa di chuyển chi bị tổn thương, nẹp cố định chi gãy hoặc lót tấm đệm. Đặc biệt, nếu nghi ngờ gãy cột sống cổ, hãy cố định đầu trẻ thẳng và hạn chế di chuyển hết sức có thể.
  3. Chườm lạnh vùng chấn thương: Bọc túi đá trong khăn hoặc quần áo và chườm vào vết thương để giảm đau.
  4. Hỗ trợ nếu sốc: Mất máu nhiều có thể gây sốc tuần hoàn, hãy đặt trẻ nằm đầu bằng không kê gối. Trấn an và giữ ấm cho trẻ.
  5. Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Sơ cứu bong gân

Bạn làm 4 bước đơn giản sau: để trẻ nằm yên nghỉ ngơi, chườm lạnh để giảm đau, băng ép và nâng cao chi bị bong gân. Chườm lạnh bằng túi đá trong 20 phút, lặp lại mỗi giờ trong 4 giờ đầu tiên. Thực hiện như vậy trong 24 đến 48 giờ.

Sơ cứu bầm dập cơ

Chườm một túi đá hoặc mát-xa bằng đá viên trong 20 phút, lặp lại mỗi giờ trong 4 giờ đầu tiên. Sau 48 giờ, chườm nóng trong 10 phút, ba lần một ngày. Cho trẻ dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Tuyệt đối không được dùng aspirin, thuốc này sẽ khiến máu dễ chảy nhiều hơn. Cơn đau thường bắt đầu giảm sau 48 giờ nhưng có thể còn chút khó chịu trong 2 tuần.

Đọc thêm: Sơ cứu vết thương ngoài da.

Các câu hỏi thường gặp

Làm thế nào tôi biết trẻ bị gãy xương?

Ngoài đau, chảy máu và bầm tím, các dấu hiệu đáng tin cậy để phát hiện gãy xương là: biến dạng chi, nghe xương lạo xạo và thấy đầu xương lòi ra ngoài.

Xương của trẻ em rất dẻo dai và có thể bị uốn cong. Do đó rất khó để biết trẻ bị gãy xương nếu không được chụp X-quang, vì vậy hãy khám chuyên khoa nếu bạn nghi ngờ.

Nếu xương trông không tự nhiên hoặc bị lệch, tôi có nên đặt nó trở lại vị trí cũ không?

Không. Nếu bị trật khớp hoặc chi có vẻ bị gãy, các bác sĩ sẽ điều trị. Không bao giờ cố gắng đặt lại vị trí xương vì bạn có thể gây thêm tổn thương.

Nếu mọi thứ trông bình thường và trẻ chỉ có một vết bầm thì có đáng lo không?

Thông thường không thể phân biệt giữa gãy xương và trật khớp, bong gân, căng cơ nếu không chụp X-quang. Do đó, nếu bạn nghi ngờ hãy đến gặp bác sĩ.

Trẻ có thể cử động chân tay, điều này có nghĩa trẻ không bị gãy xương?

Không chắc chắn. Cách chính xác duy nhất để chẩn đoán gãy xương là chụp X-quang. Trẻ em vẫn có thể bị gãy xương ngay cả khi cử động được chân tay. Nếu chấn thương gây đau và các triệu chứng không cải thiện, hãy đưa trẻ đi khám.