Sốt siêu vi ở trẻ em – Hiểu sao cho đúng?

Có lẽ bạn đã từng cảm thấy bối rối, mơ hồ khi nhận chẩn đoán trẻ bị sốt siêu vi. Vậy chính xác sốt siêu vi ở trẻ em là gì, bệnh có triệu chứng ra sao, có nặng không và bạn cần làm gì cho con, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Key takeaways

  • Sốt siêu vi là sốt do virus gây ra, không phải do vi khuẩn và do đó không cần điều trị kháng sinh.
  • Sốt siêu vi có nguy hiểm hay không, tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh tiềm ẩn bên dưới.
  • Nhìn chung, nếu trẻ không cải thiện hoặc bệnh nặng hơn sau 48h, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

Sốt siêu vi là gì

Siêu vi hay còn gọi là virus, khác hoàn toàn so với vi khuẩn. Sốt siêu vi (viral fever) hay hiểu rộng hơn là bệnh do siêu vi (viral illness).

Thuật ngữ “sốt siêu vi” được dùng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thuật ngữ này nhấn mạnh khả năng cao trẻ bị sốt là do virus, ít nghĩ do vi khuẩn và do đó không cần điều trị kháng sinh.

Chẩn đoán này được đặt ra khi bác sĩ thăm khám trẻ sốt và hoàn toàn không tìm thấy ổ nhiễm vi khuẩn. Hơn nữa, chẩn đoán sốt do nhiễm siêu vi thường là chẩn đoán ban đầu và có thể thay đổi theo kết quả xét nghiệm và quá trình theo dõi bệnh nhi.

Sốt siêu vi ở trẻ em có nguy hiểm không

Sốt siêu vi có thể nhẹ, tự khỏi nhưng cũng có thể trở nặng nhanh chóng, tuỳ thuộc vào bệnh lý tiềm ẩn bên dưới.

Như đã đề cập ở trên, bạn cần hiểu sốt siêu vi rộng ra là bệnh do siêu vi. Phần lớn bệnh nhiễm siêu vi ở trẻ em có biểu hiện nhẹ và thường tự khỏi như:

  • Cảm lạnh.
  • Tiêu chảy.
  • Viêm tiểu phế quản.
  • Viêm họng.

Nhưng cũng có những bệnh đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng và gây biến chứng lâu dài như:

  • Viêm cơ tim.
  • Viêm não – màng não.
  • Bệnh tay chân miệng.
  • Bệnh sốt xuất huyết.

Những bệnh nghiêm trọng vẫn có thể biểu hiện ban đầu là sốt. Do đó, nếu con bạn có triệu chứng như cảm lạnh hoặc trẻ được chẩn đoán sốt siêu vi, hãy cẩn thận theo dõi (đặc biệt là trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi).

Dấu hiệu và triệu chứng

Nếu trẻ bị nhiễm siêu vi, các triệu chứng thường gặp là:

  • Sốt.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi.
  • Đỏ, chảy nước mắt.
  • Đau họng.
  • Phát ban.
  • Nôn mửa, tiêu chảy.
  • Không muốn ăn.

Chăm sóc trẻ sốt siêu vi

Không thể điều trị virus bằng thuốc kháng sinh. Cách điều trị tốt nhất là nghỉ ngơi để hệ thống miễn dịch của trẻ chống lại virus.

Dưới đây là một số biện pháp đơn giản có thể giúp con bạn thoải mái hơn:

  • Bổ sung thêm nước cho trẻ, ví dụ: một ngụm nước sau mỗi 15 phút hoặc lâu hơn. Điều này giúp làm dịu đau họng và bù lại lượng nước bị mất do sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Đối với trẻ nhũ nhi, bù nước là đặc biệt quan trọng. Bạn nên cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn.
  • Đừng lo lắng nếu con bạn không ăn trong vài ngày. Khi cảm thấy dễ chịu hơn, trẻ sẽ ăn trở lại.
  • Cho phép con bạn nghỉ ngơi.
  • Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để giúp thông mũi ở trẻ sơ sinh. Trẻ thông mũi sẽ dễ bú hơn. (Đọc thêm: Rửa mũi cho trẻ).
  • Cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau. Không cho con bạn uống aspirin. Cẩn thận kiểm tra nhãn để biết liều lượng chính xác.
  • Đọc thêm: Chăm sóc trẻ sốt như thế nào cho đúng.

Trẻ sốt siêu vi bao giờ cần khám bác sĩ

Khám bệnh thông thường

Nhìn chung, nếu trẻ không cải thiện sau 48 giờ, hoặc ngày càng nặng hơn, hãy đưa con đến gặp bác sĩ. Con cũng cần được chăm sóc y tế trong những trường hợp sau

  • Sốt không cải thiện khi dùng paracetamol hoặc ibuprofen.
  • Nôn mửa và tiêu chảy dai dẳng trong 48 giờ.
  • Trẻ không uống gì trong 6 giờ.
  • Trẻ phát ban nhưng ấn tay vào không mất.
  • Lượng tã ướt giảm một nửa so với thông thường (con bạn đang thiếu nước).
  • Trẻ bú kém
  • Sốt ở trẻ sơ sinh từ ba tháng tuổi trở xuống.
  • Trẻ không khỏe hơn khi phát ban (thông thường nhiễm siêu vi, trẻ sẽ khỏe hơn khi phát ban).

Khám khẩn cấp

Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu con có các dấu hiệu sau:

  • Rất nhợt nhạt hoặc khó đánh thức.
  • Trẻ thở mệt, thở nhanh, khò khè.
  • Đau đầu, cứng cổ hoặc đau lưng.
  • Bỏ bú.